Vào cửa thật tướng là thấy được bản chất chân thật của muôn sự muôn vật, hành giả mới có cơ hội đạt đến chỗ bất sanh bất diệt đó là vào được Như Lai địa. Hòa thượng giáo thọ khuyến tấn hành giả phải nhận chân được vấn đề cốt lõi trong sự tu tập để không bị kẹt vào pháp phương tiện…

Sáng ngày 08/07/2024 (03/06/Giáp Thìn), Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhuận Hải đã quang lâm về Đại hùng bảo điện chùa Vạn Thiện giảng dạy về tác phẩm Chứng đạo ca.

Theo như Hòa thượng giáo thọ đã chia sẻ thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là con đường dẫn đến luân hồi sanh tử; dứt được vọng tưởng thì không còn phân biệt, không còn chấp trước. Cho nên giác ngộ là mục đích cứu cánh rốt ráo. Khi giác ngộ, tuệ giác Bát-nhã hiển lộ thì tất cả những hành vi việc làm tu tập đều chấm dứt, lúc này phương tiện không còn giá trị nữa. Như qua sông phải lụy bè nhưng lên đến bờ rồi thì hành giả không vác bè trên vai mà phải bỏ lại ở bờ sông.

Nếu tuệ giác đã hiển lộ hành giả thấy được mọi sự vật hiện tượng là giả tướng, không còn bị đánh lừa bởi vô minh vọng tưởng. Cho nên vấn đề hàng phục vọng tâm rất quan trọng. Trong kinh Kim Cang, ngài Tu Bồ Đề thỉnh vấn đức Phật: “làm sao để an trụ chơn tâm” và “làm sao hàng phục vọng tâm”. Phật mới dạy Tôn giả Tu Bồ Đề rằng muốn hàng phục vọng tâm chỉ có cách duy nhất là phát tâm quảng đại độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh nhưng thật không có chúng sanh nào được diệt độ. Ngài Tu Bồ Đề đã thỉnh hỏi cách để trụ chơn tâm trước, rồi mới hỏi cách hàng phục vọng tâm, đức Phật trả lời hàng phục vọng tâm trước mới trụ chơn tâm sau, vì vọng tâm không hàng sao trụ được chơn tâm.

Hòa thượng giáo thọ cho biết đức Phật dạy hành giả học Phật phải mở rộng tâm ra để hóa giải tâm chấp ngã hẹp hòi, phá trừ vọng tưởng hơn thua phải quấy về sự tồn tại và hiện hữu của cái ta. Phải có một cái nhìn chơn thật, chánh tri, chánh kiến ví như trong kinh Bát Nhã nói đến “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, thấy thân tâm không thật thì sự chấp ngã cũng không, không còn tạo tác nghiệp. Phải là cái thấy thực sự, không phải cái thấy dựa trên khái niệm, đòi hỏi hành giả phải quán chiếu sâu sắc chứ không dựa trên tưởng tượng.

Niết-bàn chỉ cho trạng thái an lạc của nội tâm, ngay lúc còn sống mà hóa giải được ý niệm thương và ghét để trở về với trạng thái tâm trí hoàn toàn thanh tịnh gọi hữu dư y Niết Bàn, khi xả bỏ thân rồi mà tâm thanh tịnh hoàn toàn gọi là vô dư y Niết Bàn. Niết Bàn là cảnh giới an lạc sẵn có của tự tâm mỗi người, không phải do tu mới có, mà vốn sẵn có tu là đào thải tất cả vọng tưởng phân biệt, khi trần lao phiền não hết thì trở về với bản tâm thanh tịnh không sanh không diệt.

Hòa thượng giáo thọ dẫn chứng và giải nghĩa cho chư hành giả hiểu thấu ý nghĩa của bài kệ chứng đạo số 21:

“Giác tức liễu, bất thi công

Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng

Dịch nghĩa:

Giác là hết, chẳng cần tu với chứng!

Pháp hữu vi nhiều lắm kể sao cùng”

Giác ngộ rồi là xong, không cần tu chứng nữa, vì chưa giác ngộ thì cần nỗ lực tu tập để cầu chứng ngộ, khi giác ngộ rồi phải xả bỏ phương tiện hữu vi. Đã là thế giới duyên sinh thì không có gì tồn tại độc lập cả, là pháp hữu vi có tạo tác bằng ý niệm, tư tưởng hành vi, có sinh, có diệt, có khác biệt.

“Trụ tướng bố thí sanh thiên phước

Do như ngưỡng tiễn xạ hư không

Thế lực tận, tiễn hoàn trụy

Chiêu đắc lai sanh bất như ý”,

Dịch là: “Bố thí ra, lòng chấp, phước sanh thiên

Như tên bắn, xé hư không bay vút

Sức mỏn rồi, tên rớt biết về đâu!

Lúc phước hết, sinh lại cuộc đời không như ý”

Bố thí là một thiện hạnh, phước báo của việc trụ tướng bố thí là được sanh lên cõi trời. Dù thiện, ác nhưng cũng nằm trong cảnh sanh diệt, luân hồi. Chúng ta tạo ra nghiệp thiện, hay nghiệp dữ thì thọ hưởng quả trong tương lai. Nếu hành giả bố thí mà còn chấp vào năng, sở và trụ tướng thì không phải bố thí ba-la-mật, chỉ hưởng lấy phước báo hữu vi. Như dùng tên bắn vào hư không đến một tầm không rồi cũng lại rơi xuống.

Dù hưởng phước trời bao nhiêu đi nữa thì khi hết phước lại tiếp nhận đời sống mới, ví như tiền tiêu sạch túi rồi phải đi tìm cầu, phước cạn thì tùy theo nghiệp quá khứ đã tạo mà lại rơi vào cõi người hoặc tam ác đạo nên gọi là bất như ý.

“Tranh tự vô vi thật tướng môn

Nhất siêu trực nhập Như Lai địa”.

Dịch là: “Sao bằng ta, thẳng tiến thật tướng môn

Nhảy một nhảy, đến ngay vùng đất Phật”

Vào cửa thật tướng là thấy được bản chất chân thật của muôn sự muôn vật, hành giả mới có cơ hội đạt đến chỗ bất sanh bất diệt đó là vào được Như Lai địa. Hòa thượng giáo thọ khuyến tấn hành giả phải nhận chân được vấn đề cốt lõi trong sự tu tập để không bị kẹt vào pháp phương tiện; cũng như xác định rõ mục đích chính yếu, hiểu được tính chất của mục đích mình đang hướng đến để không vướng vào tính chất ấy, nhận thức đúng đắn để tinh tấn vượt qua mọi chướng duyên trên bước đường tu học.