Sáng nay ngày 21/8/2017, không khí làng Vạn Hạnh thật trong và xanh, tiết trời mát mẻ quá. Tiếng ríu rít, líu lo của bầy chim sẻ, chim quyên trên những tán cây dầu, vườn cau xanh mát hòa theo âm thanh nhẹ nhàng, du dương của chiếc phong linh tạo nên một không […]

     Sáng nay ngày 21/8/2017, không khí làng Vạn Hạnh thật trong và xanh, tiết trời mát mẻ quá. Tiếng ríu rít, líu lo của bầy chim sẻ, chim quyên trên những tán cây dầu, vườn cau xanh mát hòa theo âm thanh nhẹ nhàng, du dương của chiếc phong linh tạo nên một không gian yên bình, tĩnh lặng nơi Viện Chuyên Tu đơn sơ mà trầm hùng, cổ kính.

     Chú Thiện Phổ và chú Thiện Hương đang sửa soạn mặc chiếc áo tràng lam mới tay dài mà Sư phụ trao cho hai chú hồi tối qua. Hai chú đang hồi hộp lắm, vừa mừng, vừa lo. Chỉ còn ít phút nữa là hai chú sẽ chính thức được Sư phụ làm lễ thế phát, không mừng sao được khi mình sắp chính thức được trở thành người xuất gia, sống đời phạm hạnh trong chí nguyện cao vời, nhưng cũng  hơi lo lắng vì còn phải trải qua một “ải” khảo hạch kinh điển lần sau chót của Sư phụ. Theo quy định của Viện Chuyên Tu, một người  đủ điều kiện để được thế phát thì ngoài quy chuẩn giới luật của thiền môn, người đó còn phải thông thuộc tất cả kinh điển trong nghi thức của các thời khóa tụng như: Ngũ đệ Lăng Nghiêm chú, Cúng ngọ, Quá đường, Mông sơn thí thực, Hồng danh bửu sám, Kinh A Di Đà…

       Hai chú Thiện Phổ và Thiện Hương đến Viện Chuyên Tu nhập chúng tập sự xuất gia đã hơn nửa năm, trong khoảng thời gian ấy, ngoài việc học thuộc và tham gia đầy đủ các thời khóa tụng, hai chú còn được Sư phụ và các thầy chỉ dạy rất nhiều điều, từ cách chắp tay thưa gửi, chào hỏi, nói năng, cho đến các oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi, thậm chí cả đến những điều nhỏ nhặt như cách ăn uống, xếp quần áo… tất cả đều phải thực tập một cách chánh niệm và có oai nghi, chứ không còn thô tháo, cẩu thả như kiểu sống thế tục. Mặc dù thời khóa nghiêm ngặt, công việc của đại chúng có lúc bộn bề, nhưng hai chú luôn có cảm nhận rằng, đây là môi trường lý tưởng cho đời sống của một người xuất gia. Hơn thế nữa, hai chú thấy được mỗi cử chỉ, lời nói, hành động của mình, từ công phu cho đến công việc như quét lá, nấu ăn, chẻ củi… đều là sự chuyển hóa thân tâm và cống hiến, đem lợi ích, niềm vui đến với mọi người. Ý thức được điều đó, hai chú đã có được rất nhiều pháp lạc trong những ngày tháng tập sự làm khất sĩ…

       Đúng 8 giờ 30 phút, khi hiệu lệnh thiền môn báo chúng vừa được cử lên ba tiếng, Sư phụ cùng toàn thể đại chúng đồng vân tập tại Đại Hùng Bảo Điện để cử hành nghi thức thế phát cho hai chú. Phật tử về tham dự cũng có tới gần trăm người, không khí tại Đại Điện lúc này vô cùng trang nghiêm và ấm cúng. Sau khi Sư phụ niêm hương bạch Phật và đảnh lễ Tam bảo, buổi khảo hạch chính thức được diễn ra, Sư phụ lần lượt khảo kinh từng chú một, tuy tâm lý có đôi chút lo sợ trước oai nghi nghiêm nghị của Sư phụ, nhưng rồi cả hai chú đều giữ được định tĩnh để lắng nghe và trả lời từng câu hỏi của Sư phụ đưa ra. Cuối cùng, hai chú cũng vượt qua được “cửa ải” này, Sư phụ vừa khẽ gật đầu: “Được!”, cả hội chúng ai nấy cũng đều thở phào nhẹ nhõm, vì mọi người đều lo sợ hai chú không qua được kỳ khảo hạch.

Một số hình ảnh được ghi nhận: 

        Giây phút thiêng liêng rồi cũng đến, lễ thế phát chính thức được cử hành, chú Thiện Phổ đại diện dâng lời tác bạch:

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

         Kính bạch trên Sư Phụ cùng toàn thể đại chúng.

         Chúng con từng nghe đâu đó hai câu thơ thiền của vua Trần Thái Tông:

“Lang thang làm khách phong trần

Ngày dài quê cũ bước chân dặm trường.”

     Trải qua bao tháng ngày rong ruổi cõi hồng trần, chúng con thấy được rằng, mỗi con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành không ai có thể thoát được vòng xoáy của cuộc đời. Tiền bạc, địa vị, danh vọng, tình cảm và những ham muốn cho bản thân tự lúc nào đã trở thành thứ hạnh phúc giả tạm của con người. Chúng con đâu hay tất cả chỉ là phù du ảo ảnh, chỉ như một giấc mộng dài, để rồi “giật mình tỉnh giấc, thấy mình tay không”. Thậm chí, chúng con đã phải đánh đổi rất nhiều từ gia đình, người thân, bạn bè và cả chính bản thân mình. Tất cả có chăng chỉ còn lại sự hối tiếc muộn màng cho những gì đã qua, hay ôm ấp trong lòng những nỗi đau khổ dằn vặt, dằng xé cả thân tâm…

     Hiểu được cuộc đời là biển khổ mênh mông vô tận, có khi là địa ngục trần gian. Chúng con quyết định chọn con đường xuất gia tu học, vì chỉ có sống và thực tập theo giáo pháp của Đức Phật mới có thể giúp chúng con thoát khỏi những vướng mắc phiền lụy, ra khỏi nhà lửa tam giới.

Con đi từ vô thủy
Con đến từ vô minh
Kiếp này dừng chân lại
Duyên hội ngộ trùng phùng.

     Có được mối nhân duyên thù thắng, huynh đệ chúng con, kẻ miền đất Bắc, người xứ cao nguyên. Tuy mỗi người một phương trời, một hoàn cảnh khác nhau nhưng lại cùng mang một chí nguyện của bậc xuất trần thượng sĩ. Và với chí nguyện cao đẹp đó, huynh đệ chúng con không ai quen ai, cũng không ai hẹn ai, chúng con đã cùng nhau hạnh ngộ tại ngôi già lam thân thương Viện Chuyên Tu. Sau mấy tháng tập sự theo hạnh anh nhi, được sự ân cần chỉ dạy, bảo bọc, nâng đỡ của Sư Phụ trụ trì cùng đại chúng, chúng con nhận thấy đây là môi trường tu học lý tưởng để chúng con có thể thoát khỏi trần lao, hướng về nẻo giác.

     Hôm nay, được sự hứa khả của Sư phụ cho phép chúng con được làm lễ thế phát xuất gia, chúng con cảm thấy trong lòng trào dâng niềm hạnh phúc vô biên bất tận. Trong giờ phút  thiêng liêng, có sự gia hộ của mười phương chư Phật cùng sự chứng minh của hiện tiền chư Tôn đức. Chúng con thành tâm cầu thỉnh Sư phụ cùng hiện tiền chư Tôn đại đức Tăng từ bi hứa khả tác pháp yết ma thế phát cho hai huynh đệ chúng con để chúng con được chính thức sống đời phạm hạnh, lập chí siêu trần, thoát khỏi trầm luân, đến bờ giác ngộ. Ngưỡng mong chư Tôn đức từ mẫn cố, đại từ mẫn cố.

     Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.”

Một số hình ảnh được ghi nhận: 

     Lời tác bạch thành kính, thiết tha của hai chú đã được Sư phụ và đại chúng hứa khả. Trước khi xuống tóc, Sư phụ cho phép hai chú được dâng lời trần tình và lạy tạ cha mẹ lần sau cuối, vì sau khi trở thành người xuất gia làm đệ tử của Đức Phật thì sẽ không được lạy cha mẹ nữa.

     “Lạy mẹ con đi, xuất gia tu học, kể từ đây, vào nhà Như Lai...”

      Tiếng thầy Thiện Mỹ thể hiện bài hát này vang lên giữa không gian đại điện lúc này trở nên lắng đọng và đầy xúc cảm, niềm hạnh phúc của hai chú vỡ òa trong những lời sám hối vì những lỗi lầm đã lỡ gây ra và lời cảm ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục hai chú suốt gần hai mươi năm qua, hai chú hứa với cha mẹ sẽ tinh tấn tu tập để không phụ công ơn trời biển của hai đấng sanh thành. Ba lạy và cái ôm cha mẹ lần sau cuối đã làm cả hội chúng xúc động, những giọt nước mắt khẽ lăn dài trên má của một số Phật tử, vừa như có sự đồng cảm với tâm tư của hai chú, vừa như chạnh lòng nhớ nghĩ đến ân đức song thân…

     Gạt ngang giọt lệ còn đọng trên khóe mắt, hai chú hướng về Tam bảo, quỳ thẳng, chắp tay trang nghiêm, thành kính. Sư phụ dùng nước sái tịnh làm lễ hoán đảnh để gội rửa những lỗi lầm mà hai chú đã lỡ gây tạo trong quá khứ, để cho thân tâm của hai chú được thanh tịnh bước vào nẻo đạo.

Thiện tai thiện nam tử!
Năng liễu thế vô thường
Khí tục thủ Nê-hoàn
Công đức nan tư nghì.

(Lành thay thiện nam tử
Rõ thế cuộc vô thường
Bỏ tục cầu giải thoát
Công đức khó nghĩ bàn)

Một số hình ảnh được ghi nhận:

     Sau khi làm lễ hoán đảnh, Sư phụ dùng dao xuống tóc cho hai chú. Sư Phụ dạy: “Tóc trên đầu tượng trưng cho phiền não, vì các con không thể tự mình trừ bỏ được nên phải nhờ oai lực của Tam bảo và chư Tăng cạo bỏ giúp các con. Dao thứ nhất, Thầy cạo bỏ tóc này là tóc của trần thế, con hãy bỏ lại những gì của trần thế và phát nguyện từ nay đến tột cùng đời vị lai phải đoạn trừ tất cả các điều ác. Dao thứ hai, đây là tóc của phiền não, con hãy từ bỏ những phiền não hệ lụy, vướng mắc, nguyện từ nay đến tột cùng đời vị lai sẽ làm tất cả các điều thiện. Dao thứ ba, tóc này là tóc của mẹ cha, những ân tình của mẹ cha con hãy gói gửi lại cho mẹ cha và phát nguyện tu tập từ nay cho đến tột cùng đời vị lai sẽ độ tất cả chúng sanh.”

     Cả Đại chúng đồng nhiếp tâm đọc bài kệ như gửi thêm năng lực cho người mới bước chân vào nẻo đạo, mạnh dạn bỏ lại những thứ không cần thiết của thế gian để thực hiện hạnh nguyện làm lợi ích nhân sinh:

Hủy hình thủ chí tiết,
Cát ái từ sở thân
Xuất gia hoằng Thánh đạo
Thệ độ nhất thiết nhân.
(Xá chi hình hài đẹp
Giữ chí tiết cao vời
Tình thân xin gửi lại
Phật đạo nương suốt đời
Bao người trong biển khổ
Nguyện độ hết không ngơi.)

Thế trừ tu phát
Đương nguyện chúng sanh
Viễn ly phiền não
Cứu cánh tịch diệt.
(Cạo bỏ râu tóc
Nguyện cho chúng sanh
Lìa hẳn phiền não
Rốt ráo an vui.)

Một số hình ảnh được ghi nhận: 

     Thế phát xong, Sư phụ trao tặng hai chú chiếc áo nhật bình màu lam và nói hai chú mặc vào, đây là chiếc áo chỉ dành cho các chú điệu trong truyền thống Phật giáo tại Việt Nam mới có. Rồi Sư phụ đặt Pháp danh và Pháp húy cho hai chú theo dòng truyền thừa Lâm Tế Gia Phổ qua bài kệ của Tổ sư Đạo Mân – Mộc Trần:

Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên
Minh như hồng nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền.

     Sư phụ từ tốn kể lại các đời Tổ sư theo phả hệ truyền thừa từ Tổ Đạo Mân đến Sư Ông là đời thứ 41, ứng với chữ “Nhật”;  Sư Phụ đời thứ 42, ứng chữ “Lệ”; và hai chú là đời thứ 43, chữ “Trung”. Chú Thiện Phổ có Pháp húy là Trung Chính, Chú Thiện Hương có Pháp húy là Trung Hòa.

     Cuối cùng là tiết mục tặng quà, đầu tiên là Sư phụ trao quà cho hai chú, kến đến là các thầy, các chú trong chùa lần lượt lên tặng quà và chúc nguyện, sau cùng là quý vị Phật tử tham dự dâng tặng. Buổi lễ thế phát hoàn mãn trong niềm hạnh phúc ngập tràn của hai chú Thiện Phổ và Thiện Hương hòa lẫn với những nụ cười tùy hỷ rạng rỡ của các thầy, các chú cùng toàn thể quý Phật tử.

     Ngoài phía vườn chùa, mặt trời đã lên cao, những hàng dầu, hàng cau xanh mướt đang vươn mình đón nhận những tia nắng rạng soi.

Thích Thiện Đức